Hướng dẫn và giải đáp quy định về CE, FDA cho doanh nghiệp dệt may VN

Thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công Thương về triển khai các biện pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng lợi ích của EVFTA, nhằm cung cấp thông tin cho doanh nghiệp, qua đó hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu, chiều ngày 26/5/2020, Cục Xuất nhập khẩu phối hợp với Hiệp hội Dệt may Việt Nam và Tổ chức IDH tổ chức Hội thảo “Hướng dẫn và giải đáp quy định về CE, FDA”.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn, lúng túng trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn, chất lượng của nước nhập khẩu, đặc biệt là quy trình xin chứng nhận CE và FDA của EU và Hoa Kỳ. Việc thiếu thông tin về vấn đề này dẫn đến nhiều doanh nghiệp thông qua các tổ chức môi giới để làm chứng nhận, nhưng không đảm bảo được tính xác thực.

Do đó, Hội thảo được Bộ Công Thương tổ chức nhằm giúp các doanh nghiệp Việt Nam nắm chắc những quy định về tiêu chuẩn chất lượng của thị trường EU, Hoa Kỳ, nhất là quy trình xin chứng nhận CE (sản phẩm đáp ứng được các yêu cầu về an toàn, sức khỏe, bảo vệ môi trường) và quy định về FDA (quy định giám sát độ an toàn những sản phẩm thuộc danh mục quản lý lưu hành trên thị trường Hoa Kỳ)… nhằm khai thác tối đa lợi ích từ EVFTA, khi Hiệp định này chính thức có hiệu lực.

Ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu

Ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho biết, thời gian qua, với tác động của dịch Covid-19, nhiều ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam đã gặp nhiều khó khăn, trong đó có các doanh nghiệp dệt may. Tuy nhiên, các doanh nghiệp đã nhanh chóng nắm bắt tình hình, sản xuất khẩu trang vải, khẩu trang vải kháng khuẩn đáp ứng nhu cầu trong nước, xuất khẩu, góp phần tăng thu nhập, giảm bớt khó khăn do dịch bệnh gây ra.

Ông Trần Thanh Hải nhấn mạnh, đối với mặt hàng khẩu trang và thiết bị bảo hộ y tế khi xuất khẩu vào EU và Hoa Kỳ, các doanh nghiệp cần nhận thức tầm quan trọng của các chứng nhận về sự phù hợp cũng như công tác đảm bảo chất lượng sản phẩm.

“Bộ Công Thương mong muốn các doanh nghiệp khi xuất khẩu khẩu trang vào các thị trường này cần phải có sự nghiêm túc, có sự đầu tư bài bản và đặt yếu tố chất lượng lên hàng đầu” – Đại diện Cục Xuất nhập khẩu khẳng định, nếu không, mặt hàng khẩu trang khi đi qua mùa dịch sẽ lắng xuống và hoạt động kinh doanh không được lâu bền, thậm chí có thể gây thiệt hại đáng kể.

Tại Hội thảo, chuyên gia của các tổ chức chứng nhận quốc tế đã giới thiệu chung về CE, FDA, quy trình, thủ tục để lấy chứng nhận CE, FDA. Nắm rõ quy định về FDA

Lý giải về quy trình, thủ tục xin chứng nhận CE (sản phẩm đáp ứng được các yêu cầu về an toàn, sức khỏe, bảo vệ môi trường) đối với thị trường EU và Hoa Kỳ, bà Dương Phong Hiền, Trưởng đại diện Eurofins tại Hà Nội đã phân tích, giải đáp những tiêu chuẩn đối với từng loại mặt hàng phục vụ công tác phòng, chống dịch như: khẩu trang y tế, khẩu trang bảo hộ, khẩu trang vải, bộ phòng dịch…

Trưởng đại diện Eurofins tại Hà Nội nhấn mạnh, CE được ví như chiếc thẻ hộ chiếu thương mại lưu thông sản phẩm khẩu trang cũng như các thiết bị phòng hộ cá nhân vào thị trường EU. Sản phẩm gắn nhãn CE như là lời tuyên bố của doanh nghiệp khẳng định sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn, sức khỏe, môi trường và chính CE cũng là căn cứ xử lý các sản phẩm không đủ tiêu chuẩn bảo vệ môi trường.

Tương tự, đề cập về chứng nhận FDA để xuất khẩu các sản phẩm này vào thị trường Hoa Kỳ, Trưởng đại diện Eurofins tại Hà Nội cũng lưu ý, đây không phải là câu chuyện đơn giản, doanh nghiệp phải có sự chuẩn bị thực sự bài bản thì mới có thể đem hàng vào thị trường này một cách lâu dài.

Theo đó, quy trình đăng ký FDA trải qua 5 bước cơ bản: xác định, phân loại sản phẩm; xuất trình tài liệu cần thiết; thiết lập và duy trì hệ thống tuân thủ quy định chất lượng của FDA; đăng ký số DUNS; đăng ký doanh nghiệp; đánh giá…

Hội thảo đặc biệt thu hút các đại biểu trao đổi sôi nổi tại phiên thảo luận. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp trao đổi, tham vấn kỹ hơn với các chuyên gia về những vấn đề liên quan đến CE, FDA.

Nhiều câu hỏi mang tính thực tế, chia sẻ những khó khăn của doanh nghiệp trong quá trình hoàn thiện thủ tục xuất khẩu hàng hoá vào thị trường EU, Hoa Kỳ đã được ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu; Bà Dương Phong Hiền – Đại diện Eurofins; Bà Trần Thanh Thuỷ Tiên – Đại diện SGS; Bà Nguyễn Cao Ngọc Dung – Đại diện Bureau Veritas; Bà Nguyễn Thị Minh Tâm – Đại diện BSI; Bà Đoàn Thị Tường Vân – Đại diện UL trao đổi thẳng thắn, cởi mở tại phiên thảo luận. Vì vậy, Hội thảo được đánh giá đem lại những kiến thức bổ ích, giúp các doanh nghiệp Việt Nam nắm chắc những quy định về tiêu chuẩn chất lượng của thị trường EU, Hoa Kỳ; tự tin đưa các sản phẩm của Việt Nam chinh phục thị trường nước ngoài.

Nguồn: moit

Leave Comments

0707250863
0707250863